Bạc Liêu đi lên từ văn hóa

Discussion in 'Tin tức Bạc Liêu' started by bboy_nonoyes, May 15, 2013.

  1. (Lượt xem: 2,363)

    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL, Báo Bạc Liêu và Đài PT-TH tỉnh vừa phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Với 35 bài tham luận mà mỗi tham luận là một sự đầu tư cao độ vì một Bạc Liêu phát triển, từ khóa “văn hóa” đã được “mổ xẻ” một cách đa chiều. Tuy đa chiều nhưng lại gắn với những vấn đề cụ thể, đưa ra những giải pháp bước đầu cho sự phát triển của Bạc Liêu, để “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” sẽ có một định hướng rõ ràng, cụ thể hơn…

    Đồng chí Nguyễn Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Để đi lên từ văn hóa, yếu tố văn hóa cần được nhận thức, bồi đắp, xây dựng, chăm chút…trên nhiều lĩnh vực!”

    [IMG]
    Đồng chí Nguyễn Khuê (người đứng), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: C.T

    Thứ nhất, nếu nói xã hội là tổng hòa các quan hệ giữa con người với nhau thì việc đầu tiên là phải làm cho các quan hệ đó trở thành quan hệ có văn hóa. Do đó, các ngành, các cấp cần gấp rút phối hợp xây dựng các quy tắc ứng xử có văn hóa.

    Thứ hai, tất cả các công trình xây dựng, từ công trình công cộng đến cơ quan, công sở, đường sá, nhà ở… các ngành chức năng khi thẩm định cấp phép phải chú ý đúng mức và yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt yếu tố văn hóa của các công trình. Vì sự khang trang của hoàn cảnh sẽ giúp con người hình thành ý thức làm đẹp cuộc sống.

    Thứ ba, chú ý nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác các công trình văn hóa - lịch sử của địa phương ở tầm văn hóa của nó.

    Thứ tư, Bạc Liêu là “chiếc nôi” của đờn ca tài tử, do đó cần khai thác tối đa lợi thế nguồn gốc này, không chỉ ở góc độ thương mại mà còn là một giá trị, một di sản văn hóa của Bạc Liêu…

    Thứ năm, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng cần sớm quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đúng tầm để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch tín ngưỡng tâm linh vì Bạc Liêu hiện đang trở thành trung tâm hành hương đậm chất “tâm linh dân gian” của 2 tôn giáo lớn trong phạm vi cả nước: Phật giáo (khu Phật bà Nam Hải) và Công giáo (nhà thờ Tắc Sậy)…

    Thứ sáu, sự gương mẫu của người lớn cũng là một biện pháp để xây dựng văn hóa (sự nêu gương của lãnh đạo đối với cán bộ, công chức dưới quyền; của cha mẹ đối với con cái, của người lớn đối với trẻ em…).

    Thứ bảy, cùng với việc xây dựng văn hóa, phải thường xuyên liên tục, kiên trì đấu tranh bài trừ các hành vi phản văn hóa…

    Cuối cùng, ở góc độ cá nhân, mỗi người chúng ta hãy trở thành con người văn hóa trong cuộc sống, trong công việc, trong ứng xử với mọi người.

    Nhận diện “văn hóa” đối với sự phát triển của Bạc Liêu

    Đảng ta đã xác định “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

    Vậy thì đối với sự phát triển của Bạc Liêu, văn hóa “định vị” như thế nào?
    Theo ông Nguyễn Duy Hoàng - Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, thì: “Văn hóa Bạc Liêu có một độ dày suốt chiều dài lịch sử, là “chiếc nôi” của đờn ca tài tử, “bài ca vua” Dạ cổ hoài lang…

    Ở góc độ lịch sử, chính trị, Bạc Liêu lại có những chiến tích nhân văn, nhân bản và cũng rất nhân từ - 2 lần giành chính quyền không đổ máu… Bạc Liêu còn có một nền văn hóa cộng cư độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Bề dày văn hóa ấy là điều đáng tự hào, là “cái phúc” cho tỉnh…, cho nên, đi lên từ văn hóa chính là làm cho hàm lượng văn hóa ấy thẩm thấu, hòa quyện, gắn kết, tác động qua lại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống vật chất và tinh thần, vào tình cảm của con người trong xã hội; biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”.

    Có một phản biện đặt ra: Bạc Liêu đi lên từ văn hóa là chưa phù hợp, tại sao không đi lên từ kinh tế? Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, phân tích rằng: “Quan điểm chọn Bạc Liêu đi lên từ văn hóa là nói về cách đi lên để làm giàu của Bạc Liêu, cách để kinh tế Bạc Liêu phát triển, tuyệt nhiên không có nghĩa là không quan tâm đến phát triển kinh tế. Quan điểm chỉ đạo mới này đã xác định đúng vai trò của văn hóa trong phát triển, sự thâm nhập của văn hóa vào mọi lĩnh vực của đời sống”. Và đi vào cụ thể, theo ông Thanh, văn hóa Bạc Liêu khi đã được quan tâm làm rõ thì nó sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho du khách, mà trước hết phải nói là khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu nhà Công tử Bạc Liêu…, để khi nhắc đến cái tên Cao Văn Lầu, Công tử Bạc Liêu thì xem như đó là thương hiệu “độc nhất vô nhị” của tỉnh. Đó chính là văn hóa Bạc Liêu.

    Trên đây là trích dẫn đại ý 2 trong số rất nhiều tham luận khi đề cập đến vai trò văn hóa trong sự phát triển của Bạc Liêu. Tựu trung lại, đa số các tham luận đều nhìn nhận rằng bề dày văn hóa đa phương diện mà Bạc Liêu có được, từ những chiến tích lẫy lừng trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh, đến những giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể hiện hữu và văn hóa về cốt cách con người Bạc Liêu… tất cả là “vốn liếng” vô giá để Bạc Liêu lấy đó “đầu tư” cho sự phát triển, với điều kiện tỉnh phải biết cách tận dụng và phát huy lợi thế trên từng phương diện.

    [IMG]
    Quang cảnh buổi tọa đàm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Ảnh: C.T

    Giải pháp để đi lên từ văn hóa

    Khi đề cập đến quan điểm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là một vấn đề hay nhưng rất khó mổ xẻ, bởi đề cập đến khái niệm văn hóa là đề cập đến một phạm trù khá trừu tượng. Tuy nhiên khi đã định vị được vai trò văn hóa trong sự phát triển của Bạc Liêu thì cũng đã có một số giải pháp được đưa ra. Nhiều giải pháp chỉ mang tính gắn với ngành nghề cụ thể, chưa thật sự là giải pháp chung, tuy nhiên đó cũng là một bức tranh đa sắc màu được phác họa bước đầu để sau buổi tọa đàm này, những người có trách nhiệm cần “bóc tách” để xây dựng nên một định hướng với những giải pháp chung.

    Ban Dân vận Tỉnh ủy chú trọng vào các giải pháp nhằm làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, gia đình, từng người, hoàn thiện giá trị mới của con người Việt Nam. Tỉnh đoàn hướng vào giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên, giúp họ ôn cũ, biết mới để hành động cho xứng đáng với truyền thống của quê hương. Trường Đại học Bạc Liêu thì đưa ra các giải pháp cụ thể trong việc góp phần xây dựng phong cách người Bạc Liêu. Còn với tham luận chủ đề “Văn hóa Bạc Liêu là nguồn lực phát triển quan trọng của tỉnh”, thạc sĩ Lâm Thành Đắc (Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KH-KT Bạc Liêu) đã đưa ra nhóm giải pháp khá “sát sườn”. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền vai trò quan trọng của văn hóa Bạc Liêu đối với sự phát triển của tỉnh; xây dựng văn hóa nhận thức con người Bạc Liêu lên tầm cao mới; xây dựng văn hóa kinh doanh; xây dựng văn hóa du lịch; khai thác các giá trị và thế mạnh của văn hóa - nghệ thuật Bạc Liêu; mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế…

    Có thể kết lại một nhận định: “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, một quan điểm chỉ đạo cho một định hướng phát triển lâu dài ở địa phương của Tỉnh ủy đã nhận được một tập hợp trí tuệ lớn! Tin rằng, với những phân tích khá thấu đáo, những giải pháp từ buổi tọa đàm sẽ định dần hướng đi cụ thể, rõ ràng hơn để Bạc Liêu lấy văn hóa làm động lực, làm đòn bẩy trong sự phát triển của tỉnh…
    Cẩm Thúy
    Báo Bạc Liêu
  2. Facebook comment - Bạc Liêu đi lên từ văn hóa

Share This Page